“Không có bảo hiểm y tế (BHYT), gia đình tôi đã lâm vào cảnh khốn cùng”. Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Thừa (thôn Phụng Tường 1, xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa) sau khi anh dốc hết tài sản chữa trị căn bệnh ung thư cho vợ và con trai.
KHI TAI ƯƠNG ẬP ĐẾN
Chỉ đường vào nhà anh Nguyễn Thừa, ông Nguyễn Văn Chương, Trưởng thôn Phụng Tường 1, cho biết, ông rất cám cảnh gia đình này bởi họ chăm chỉ làm ăn, kinh tế khấm khá, sống chan hòa với hàng xóm láng giềng nhưng gần đây, bệnh tật bất ngờ ập đến khiến gia cảnh của họ trở nên túng bấn, cùng cực.
Căn nhà anh Nguyễn Thừa nằm trên con đường nhỏ ở thôn Phụng Tường 1. Trong cái nắng trưa oi ả, anh Thừa vội cày cho xong lúa đang phơi rồi tất tả vào nhà khi biết có khách tới thăm. Nhà anh có ba đứa con, đứa lớn làm việc cho một công ty tư nhân và ở lại Tuy Hòa, hai đứa nhỏ đi học nên không ai ở nhà; còn vợ anh Thừa vừa mất vì căn bệnh ung thư chưa tròn tháng. Gặp người lạ, anh lại phải kể câu chuyện của mình. Sự mất mát chỉ vừa mới đây nên nỗi đau dậy lên. Không dằn được lòng, nước mắt của người đàn ông ở tuổi ngoài 40 cứ chực trào ra.
Hai vợ chồng anh Thừa lấy nhau từ thời cực khổ nên quyết tâm làm ăn để con cái sau này được học hành đến nơi đến chốn. Các con của anh thấy ba mẹ vất vả nên đều ngoan và cố gắng học hành. Cách đây 3 năm, con gái đầu của anh Thừa là Nguyễn Thị Mỹ Trâm tốt nghiệp Trường cao đẳng Y tế Phú Yên, con gái thứ hai là Nguyễn Thị Mỹ Linh vào học cùng trường với chị gái. Còn cậu con trai út là Nguyễn Lê Hữu Nhật lúc ấy đang học cuối năm lớp 8. Con cái càng ngày càng lớn, vợ chồng anh Thừa bàn với nhau sửa lại nhà cho khang trang, tiện nghi hơn. Song chỉ 5 tháng sau, tai ương ập đến với gia đình khi đứa con trai út là Nguyễn Lê Hữu Nhật sau vài cơn sốt, nhập viện thì được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Phú Yên chẩn đoán có vấn đề về lách, thận, phải chuyển vào TP Hồ Chí Minh để phẫu thuật. Sau đó, mọi thứ như đổ sụp với anh Thừa khi kết quả xét nghiệm cho biết Nhật bị ung thư máu.
Lo buồn vì căn bệnh của con, sức khỏe của vợ anh Thừa ngày càng suy sụp. Đi khám tại Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, các bác sĩ chẩn đoán vợ anh bị mang thai trứng và phải làm phẫu thuật. Sau phẫu thuật một thời gian, sức khỏe vợ anh Thừa có phần yếu hơn nên hai vợ chồng khăn gói vào TP Hồ Chí Minh để làm một số xét nghiệm. Tại đây, các bác sĩ phát hiện vợ anh Thừa cũng mắc bệnh ung thư. Đang trong những ngày tết, hai vợ chồng anh Thừa để ba đứa con tự xoay sở, còn họ phải ở lại bệnh viện để điều trị. Sau 5 tháng ở TP Hồ Chí Minh, vợ anh Thừa được bác sĩ cho về nhà.
BẢO HIỂM Y TẾ PHÁT HUY TÁC DỤNG
Cuối năm 2012, năm đầu tiên chữa trị cho em Nguyễn Lê Hữu Nhật, gia đình em tiêu tốn gần 200 triệu đồng do chi phí điều trị cao và thời gian điều trị kéo dài. Thời gian này, vợ anh Thừa phải ở nhà lo cho mẹ già mù lòa, nuôi đàn gà và chăm sóc đàn bò để gửi tiền vào cho hai cha con trả viện phí. Để hỗ trợ gia đình, chính quyền địa phương xét đưa hộ anh Thừa vào diện hộ nghèo và được hỗ trợ đóng phí BHYT.
Sau nửa năm điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Nhật được cho về nhà và mỗi tháng chỉ phải vào bệnh viện một lần. Trong một năm Nhật điều trị tại nhà, nhờ có BHYT nên gia đình anh Thừa xoay sở cũng tạm ổn và sức khỏe của Nhật cũng bắt đầu hồi phục. Tuy nhiên, đầu năm 2015, mẹ Nhật lại tiếp tục đổ bệnh. Lúc này, do thấy bệnh tình của Nhật đã giảm nên địa phương xét cho gia đình anh Thừa vào diện hộ cận nghèo. Vợ anh Thừa có BHYT của hộ cận nghèo nên chỉ phải thanh toán 5% phí điều trị. Sau năm lần hóa trị, đến lần thứ sáu, mẹ của Nhật không đủ sức cầm cự nên đã qua đời.
Sau khi vợ qua đời, anh Thừa nén đau thương để tiếp tục lo cho con trai. Anh Thừa cho biết, bệnh của Nhật cần phải điều trị lâu dài với mỗi đơn thuốc có giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng; nhưng may nhờ có BHYT gánh vác nên anh chỉ phải trả mỗi tháng từ 2 đến 3 triệu đồng cho các chi phí xét nghiệm. Hơn nữa, sau gần 3 năm điều trị, sức khỏe của Nhật đã tốt hơn, sắc mặt hồng hào và có thể tự mình vào TP Hồ Chí Minh để tái khám.
Sau nhiều lần người thân đối mặt với bệnh tật, anh Thừa xem tấm thẻ BHYT như một cứu cánh. Cho nên cứ đầu năm học, anh Thừa lại vội vàng đi đóng BHYT cho con để đề phòng lỡ không được hỗ trợ từ Nhà nước, con anh vẫn có BHYT để điều trị. “Tôi thật sự quá sợ khi chẳng may bệnh tật đến. Khi đó, tiền tích lũy mà mang đi chữa bệnh chỉ là muối bỏ bể thôi. Như có đợt bệnh viện thông báo thuốc điều trị cho thằng Nhật có giá 600.000 đồng/viên, mỗi ngày uống 4 viên; nếu không có BHYT, con tôi chắc không được như bây giờ”, anh Thừa tâm sự.
“Tuy người đã mất nhưng bản thân tôi thấy lòng bớt nặng nề vì cả đội ngũ y bác sĩ cũng như gia đình đều đã làm hết sức mình. Tôi cũng cảm ơn ngành BHXH vì nếu không có tấm thẻ BHYT, chưa chắc lần hóa trị đầu tiên của vợ tôi đã thực hiện chứ chưa nói đến những lần sau. Vì tôi tính chỉ phải thanh toán 5% phí điều trị và mua một số loại thuốc ngoài danh mục thuốc BHYT mà đợt điều trị cho vợ tôi cũng đã mất gần 100 triệu đồng”, anh Nguyễn Thừa bộc bạch.
THÁI HÀ